Thứ Sáu, 7 tháng 11, 2014

Freedom Ship – Thành phố di động khổng lồ

>> Freedom Ship - Thành phố trên biển


Blog Kim Dung

Đó là một thành phố thật đặc biệt bởi nơi đó người dân không chỉ được sống cuộc sống bình thường của họ mà còn được bồng bềnh trên mặt biển du ngoạn khắp đó đây trong thế giới bao la.

Một công ty đóng tàu tại Miami, Florida đã thiết kế con tàu khổng lồ có sức chứa hơn 50,000 người. Con tàu có vốn đầu tư 10 tỷ đô la sẽ có nhiều công trình như trường học, bệnh viện, công viên, sòng bạc, phòng trưng bày, một sân bay trên mái có thể sử dụng được cho máy bay thương mại loại nhỏ 40-50 hành khách và các bến tàu để các tàu nhỏ có thể ra vào.

Thành phố nổi sẽ lênh đênh hai năm di chuyển dần từ quốc gia này đến quốc gia khác mà không dừng lại tại bất kỳ một nơi nào lâu. Khởi đầu từ bờ Đông Hoa Kỳ đến Bắc Scotland, sang Pháp rồi Bồ Đào Nha, đi qua Địa Trung Hải đến Tây Phi, vòng qua Ấn Độ Dương để ghé Úc, vòng lên Đông Nam Á, Nhật Bản và vượt Thái Bình Dương về bờ Tây California. Hoạt động của nó sẽ dựa vào năng lượng mặt trời và năng lượng sóng biển.

Một dự án khổng lồ ấp ủ trong đầu của kỹ sư Norman Nixon Sarasota từ thập niên cuối thế kỷ Hai Mươi được đặt tên Freedom Ship International, trước khi con tàu biển Mary Queen II lớn nhất thế giới còn trong giai đoạn thiết kế. Bản thiết kế chi tiết và luận chứng kinh tế được đưa ra thảo luận năm 2002. Hàng trăm ý kiến của các nhà đầu tư phản bác một dự án đầy tham vọng trong giai đoạn khủng hoảng tài chánh ngay sau biến cố khủng bố 9/11 tại New York. Freedom Ship bị bỏ rơi vài năm cho đến khi chiếc Mary Queen II mừng lễ khánh thành khởi hành từ Southampton, Anh quốc vượt Đại Tây Dương cập cảng New York trước khi đi xuống vùng biển Caribbean trong chuyến hải hành 6 ngày “khoe tàu” hành khách lớn nhất thế giới trong thế kỷ 21.Queen Mary II, giống như khách sạn nổi nặng 150,000 tấn. Phần mũi và bên trong được trang trí theo chủ đề tưởng nhớ con tàu Titanic lớn nhất cách đây một thế kỷ. Kỹ sư Norman Nixon Sarasota cho rằng, thiết kế một con tàu khách hiện đại trong thế kỷ 21 không thể nào chỉ lớn hơn con tàu Titanic ba lần mà phải hàng chục lần trở lên mới xứng tầm vóc của khoa học kỹ thuật hiện đại. Ông đưa ra mô hình con tàu có cấu trúc như chiếc sà lan khổng lồ, vẫn chạy với tốc độ 30 hải lý/giờ, nhìn nó như một thành phố thực sự. Con người sống, làm việc trên đó cảm thấy an toàn như trên đất liền, có đầy đủ dịch vụ, xe điện lưu chuyển quanh thành phố, chứ không phải là con tàu khách bình thường. Vấn đề độ lớn của thành phố nổi không gặp khó khăn từ thiết kế, xây dựng. Có hai điều khó khăn quan trọng mà dự án này cần được giải quyết. Một là thành phố nổi không thể cập cảng đất liền với chiều dài và trọng lượng gấp 27 lần Hàng không mẫu hạm hiện đại nhất USS George H.W. Bush. Hai là kêu gọi nguồn vốn để hoàn thành dự án táo bạo này.

Thật không may cha đẻ của dự án Freedom Ship qua đời. Thế nhưng may mắn khác lại đến. Cuộc khủng hoảng kinh tế đất nước đang dần chấm dứt và hồi phục đi lên. Mọi thứ có thể thay đổi làm sống lại ý tưởng của đội ngũ kiến trúc sư hàng hải ban đầu làm việc với Nixon trong dự án Freedom Ship. Giám đốc công trình Freedom Ship International, ông Roger M. Gooch tiếp nhận nhiệm vụ ra sức kêu gọi đầu tư ít nhất 10 tỉ đô la để biến dự án thành hiện thực. Gọi vốn đầu tư cho một dự án lớn như vậy không phải là điều dễ dàng, nhất là trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế toàn cầu trong những năm gần đây. Tuy nhiên, phía công ty đã nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với dự án và họ hy vọng trước mắt sẽ huy động được khoảng 1 tỷ đô la để có thể bắt đầu khởi công dự án.Gooch, 60 tuổi, một người có trình độ tiếp thị bậc thầy được đào tạo đầy đủ (trước đây ông cũng sở hữu một công ty bảo hiểm và làm việc trong ngành du lịch). Gooch nghĩ rằng ông sẽ làm những gì tốt nhất với khả năng của mình và có được cơ hội trình bày dự án với các cơ quan truyền thông. Sau một vài cuộc phỏng vấn, ý tưởng “thành phố nổi di động” đã trở lại “ánh đèn sân khấu” đầu tư hàng hải một lần nữa với hàng loạt bài viết trên báo và những cuộc phỏng vấn truyền hình. “Freedom Ship đã thực sự vi vu trên Internet”, Gooch nói với Business Insider bằng một giọng lạc quan. “Trong một tuần, máy tính của chúng tôi tràn ngập email và ý kiến bình luận khá trung thực”. Báo chí là một kênh quan trọng, Gooch giải thích, công ty chúng tôi cần phải vượt qua rào cản lớn nhất là giải trình lợi nhuận hấp dẫn của Freedom Ship với nhà đầu tư.

Quan điểm và lý thuyết đầu tư không nhất thiết phải theo quy luật. Môi trường kinh tế thay đổi và nhờ sự tiếp thị của Gooch hiệu quả, một số nhà đầu tư tư nhân đã liên lạc với Gooch về ý tưởng, mặc dù cho đến nay chưa có công ty đầu tư mạo hiểm nào đặt bút ký hợp đồng. Mọi chuyện còn trong vòng tranh luận các luận chứng kinh tế và các loại dịch vụ sinh lợi. Gooch cho biết nhóm của ông bây giờ quan tâm đến việc hợp tác với “các tổ chức hàng hải tiềm năng” và cũng đã trao đổi với nhau về những gì ông gọi là “vốn cổ phần xây dựng”. Thành phố nổi Freedom sẽ có nền kinh tế riêng của mình, với hàng chục ngàn người làm việc trong các cửa hàng, quán bar, và các doanh nghiệp khác. Tất cả mọi người trên tàu trả một khoản phí bảo trì để hỗ trợ cơ sở hạ tầng như dịch vụ an ninh và lính cứu hỏa.Ngay cả trước khi kế hoạch vận động tài chính của Freedom Ship có được thuận lợi bước đầu, dự án này đã phải chịu đựng những chỉ trích nặng ký với lời đánh giá của Friedman, một nhà hoạt động chính trị kinh tế chiến lược. Tuy rằng, Friedman là người ủng hộ sự sống trên biển. Ông là người đồng sáng lập Viện Seasteading, dành riêng cho nghiên cứu và phát triển thành phố nổi, với Peter Thiel (CEO Paypal) năm 2008, nhưng Friedman đã buộc phải đưa ra kết luận rằng “dự án là không thực tế”. “Tôi vẫn còn khá bi quan bởi các tàu khách du lịch thế giới như Mary Queen II, Oasis Freedom,… đã phải vật lộn về tài chính, mặc dù những con tàu này nhỏ hơn so với dự án Freedom Ship đến 30 lần và với số vốn đầu tư không lớn, trên dưới 2 tỷ đô”.

Friedman ví ý tưởng gọi vốn cho Freedom Ship như giai đoạn khởi đầu một công ty công nghệ cao. “Ở Silicon Valley, bạn có thể bỏ vốn một triệu đô la với một ý tưởng tuyệt vời để có thể trở thành Google hay Facebook sau một chục năm. Thay vì cố gắng để xây dựng một sản phẩm rất lớn và sau đó bán nó, tốt hơn bây giờ nên bắt đầu tập trung vào việc tạo ra các sản phẩm khả thi tối thiểu. Friedman nói thêm: “Một trong những bí quyết để các dự án khởi động thành công đó là sự kiên nhẫn, tuy nhiên, điều này thường trái với tính cách của các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư mạo hiểm thường thiếu kiên nhẫn, họ không thể chờ đợi 5 năm để được thu về lợi nhuận. Họ chỉ muốn đầu tư trong vòng một hai năm để thu về 10 lần lợi nhuận”.Mặc cho những ý kiến phản bác trong quá khứ, sự kiên nhẫn của Giám đốc dự án Freedom Ship xem như bước đầu thành công. Gooch cho biết, dự án có tính khả thi sau khi các nhà đầu tư phản hồi nhiều ý kiến liệu Freedom Ship có thể trở thành thành phố tự trị có hiệu quả kinh tế. Gooch thừa nhận, mười, mười lăm năm trước nhiều nhóm nghiên cứu dự án Freedom Ship có nhiều ý kiến khác nhau (do tình hình kinh tế suy yếu). Một thành phố tự trị cần phải xem xét tính pháp lý của nó ở nhiều khía cạnh. Và hiện nay, chúng tôi thực sự tin rằng nó có thể khởi động. Bản thân Roger Gooch chính là nhà đầu tư đầu tiên về mặt lý thuyết: “Tôi đã bán được ý tưởng trên khái niệm Freedom Ship. Ý tưởng mà phải là ý tưởng táo bạo. Đó mới chính là tiên đề để mở ra một trang lịch sử mới cho ngành công nghiệp tàu biển ở cấp độ cao nhất. Thành phố di động trên đại dương”. Gooch vẫn còn hy vọng nếu có đủ sự quan tâm của các nhà đầu tư trên toàn cầu.

Một dự án táo bạo có thể thành công và cũng dễ dàng thất bại ngay từ lúc khởi động. Lần đầu tiên tôi nghe kỹ sư Nixon nói về nó, tôi nghĩ một ý tưởng tuyệt vời và tôi không nhầm lẫn một con tàu khách khổng lồ kinh doanh bằng vé đi du lịch vòng quanh trái đất với một thành phố di động di chuyển trên đại dương thật sự. Và hãy tưởng tượng có thể được ứng dụng trong điều kiện biến đổi khí hậu, không chỉ một con tàu “Tự do” mà nhiều con tàu như thế kết hợp lại thành một thành phố lớn. Trên đó người ta được sống, làm việc, và du lịch mà không cần quan tâm đến thời gian, phương tiện đến một đất nước nào theo đúng tên Freedom Ship. Gooch nói: “Tôi sẽ sống trên đó. Tôi muốn nhìn thành phố di động khổng lồ được xây dựng trong cuộc đời của tôi”.