Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

Di sản Sài Gòn 300 năm: Biệt thự Phương Nam ngàn tỉ

TUẤN THỊNH

(PL)- Căn biệt thự cổ tuyệt đẹp chiếm ba mặt tiền trung tâm Sài Gòn đến giờ này vẫn chưa biết được số phận của mình. Người ta nơm nớp lo sợ chủ nhân mới sẽ đập bỏ nó trước khi có quyết định bảo tồn của TP.

Đến thời điểm hiện tại thì ngôi biệt thự có địa chỉ 110-112 Võ Văn Tần, quận 3 đã được bán với giá 35 triệu USD cho một tập đoàn đầu tư lớn của nước ngoài.

Kiến trúc Pháp vững chãi sau 100 năm

Căn biệt thự cổ đã tồn tại hơn một thế kỷ nhưng kiến trúc cổ của nó vẫn tồn tại vững chãi, kiêu hãnh và nổi bật giữa các tòa nhà hiện đại ở trung tâm TP. Theo bản vẽ, nơi này có tổng diện tích hơn 2.800 m2 (44,3 x 66,5 m); gồm hai phần, ba tòa nhà chính nằm ở trung tâm khuôn viên và các hạng mục phụ như nhà kho, mái che, sân vườn bao xung quanh. Đặc biệt, căn biệt thự này có ba mặt tiền hướng ra các tuyến đường nổi tiếng tấp nập ở TP. Mặt trước hướng ra đường Võ Văn Tần, bên hông thuộc về đường Bà Huyện Thanh Quan và phía sau là mặt đường Nguyễn Thị Diệu.

Kiến trúc của căn nhà được thiết kế theo phong cách biệt thự Pháp cổ nên những người dân sống xung quanh gọi ngôi biệt thự là “nhà Pháp”. Theo các chuyên gia đánh giá thì biệt thự này có thể sánh ngang Nhà hát lớn TP, TAND TP, Bảo tàng Mỹ thuật… về kiến trúc lẫn giá trị lịch sử của nó.

Còn theo các bậc thầy phong thủy, biệt thự là “đầu rồng” của “long mạch” trải dài đến đường Lý Tự Trọng.

Nguyên vật liệu để xây dựng căn biệt thự duyên dáng này được vận chuyển từ Pháp sang theo đường biển. Các điểm nhấn nhá, cổng vòm, bao lơn, trụ, cửa sổ, cửa chính đều được chế tác hết sức tỉ mỉ và tinh xảo bằng sắt Tây nhập nguyên dạng từ Pháp. Lối vào cửa chính có hai lớp cửa, bên trong cửa gỗ và bên ngoài cửa cuốn sắt được đẩy lên. Phần mái được lợp bằng ngói đỏ. Đặc biệt, tại các mấu nối của mái nhà, có thiết kế thêm cột thu sét vừa đảm bảo an toàn lại vừa trở thành chi tiết trang trí cho ngôi biệt thự. Để hoàn thành căn biệt thự này, hàng chục thợ tay nghề cao đã phải xây dựng trong khoảng thời gian gần một năm.

Mặc dù biệt thự Phương Nam trên 100 tuổi nhưng từng cánh cửa, bản lề, cột nhà vẫn còn nguyên vẹn. Đặc biệt, cửa được làm bằng sắt nhưng không hề bị gỉ rét. Bên trong căn biệt thự có rất nhiều phòng và được trưng dụng khá tốt, chưa hề có dấu hiệu xuống cấp. Do biệt thự quá lớn, gia chủ phải thuê hai người lau dọn. Để tu sửa, vài năm, chủ nhà lại bỏ ra chừng 2 tỉ đồng để sơn sửa lại.

Những chủ nhân giàu có

Người chủ vừa rời khỏi căn biệt thự có giá trị “kếch xù” mấy ngày gần đây để giao nhà cho chủ mới là cụ bà ngoài 80 tuổi cùng với chín người con. Được biết các người con của cụ cũng đều là đại gia, người nổi tiếng trong giới kinh doanh, sở hữu nhiều căn biệt thự khác.

Theo tài liệu còn lưu lại, ngôi biệt thự này được xây bởi một người vô cùng giàu có ở Sài Gòn. Tuy nhiên, sau khi xây dựng không lâu, ngôi biệt thự này được bán lại cho một đại phú hộ khác, một người rất có vị thế ở Sài Gòn xưa. Vị đại phú hộ này bỏ ra cả đống vàng mua ngôi nhà này sau đó đặt tên là “Biệt thự Phương Nam” rồi tặng cho người con gái mới 16 tuổi của mình cùng nhiều tài sản giá trị khác để làm của hồi môn.

Vị tiểu thư kia lấy chồng rồi sinh hạ được bảy người con và tất cả đều sinh sống ở biệt thự Phương Nam. Tuy nhiên, do thời cuộc mà sau đó sáu trong bảy người con của vị tiểu thư kia đến tuổi trưởng thành, xây dựng gia đình thì đều đi sang Pháp và Mỹ sinh sống. Trước khi qua đời, vị tiểu thư đã khẳng định là biệt thự Phương Nam này thuộc quyền sở hữu của cả bảy người con, trong đó có cụ bà vừa rời khỏi căn biệt thự và quyền lợi của mọi người là như nhau.

Khó có khả năng biệt thự bị đập bỏ khi chưa có phép

Theo Sở QH-KT TP, biệt thự Phương Nam đã được kiểm kê và khả năng đưa vào diện xem xét cần bảo tồn là rất cao vì có kiến trúc, cảnh quan rất đẹp. Về khả năng trước khi Sở QH-KT có quyết định chính thức mà chủ mới đập bỏ để xây mới căn biệt thự này, ông Nguyễn Thanh Nhã - Phó Giám đốc Sở QH-KT cho biết: “Việc tháo dỡ các biệt thự phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý. Hiện nay, UBND TP là cơ quan chấp thuận việc tháo dỡ biệt thự. Nếu các công trình biệt thự bị tháo dỡ mà không có sự chấp thuận sẽ được xem là hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng”. Về quá trình Sở lập hồ sơ để trình Nhà nước phân hạng, xếp loại bảo tồn căn biệt thự này có phải hoàn tất trong năm nay hay không, ông Nhã cho hay phải qua rất nhiều trình tự và đây là chương trình lớn nên cũng cần có đủ thời gian để các đơn vị nghiên cứu. “Tuy nhiên, đánh giá của cá nhân tôi, chương trình cũng tương đối chậm hơn mong đợi của cơ quan quản lý và các chủ sở hữu công trình” - ông Nhã nói. Các chủ sở hữu công trình, chủ sử dụng đất trong nước hay nước ngoài đều bình đẳng theo quy định pháp luật. Sở cũng chưa nhận được bất kỳ đề nghị nào từ phía chủ sở hữu mới. Đặt câu hỏi mà dư luận đang quan tâm, đó là trong trường hợp căn biệt thự chính thức có quyết định được bảo tồn thì phía Nhà nước ta làm sao tránh thiệt thòi cho chủ mới, khi số tiền họ bỏ ra mua căn nhà quá lớn mà khó có thể thu hồi, ông Nhã nói: “Có nhiều giải pháp mà các cơ quan nghiên cứu cùng cơ quan quản lý đang thảo luận để giải quyết được bài toán mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Đây cũng là vấn đề thường gặp ngay cả ở các nước phát triển. Trong đó có thể kể đến ý tưởng tạo ra một “con đường di sản”. Nghĩa là tạo ra con đường kết nối các công trình, quần thể công trình bảo tồn, nơi có thể đi bộ, ngắm nhìn, chiêm ngưỡng công trình cổ đẹp. Nơi có thể giới thiệu với du khách quốc tế và trong nước hình ảnh đô thị mang tính văn hóa, mỹ thuật, lịch sử phát triển của TP. Nơi các công trình biệt thự, dinh thự cũ trở thành điểm đón khách du lịch trong các chức năng mới về dịch vụ du lịch: nghỉ dưỡng, nhà hàng, trưng bày sản phẩm văn hóa, thư viện… Những hoạt động sống động sẽ làm tăng giá trị đích thực của công trình cũng như mang lại nguồn thu cho chủ nhân của các công trình bảo tồn. Tuy nhiên, cũng có khả năng chủ nhà cũng có ý thức bảo tồn và những ý tưởng sáng tạo vẫn giữ được công trình nhưng vẫn có thể khai thác hoặc phát triển nó theo hướng phù hợp!”.
***

KTS TRẦN ĐÌNH NAM:

Nên bảo tồn gần như nguyên vẹn căn biệt thự

Căn nhà có số tuổi hơn 100 năm , có giá trị cao về mặt mỹ thuật và kiến trúc nên đương nhiên xứng đáng được bảo tồn. Công trình tuy xuống cấp nhưng hiện trạng vẫn còn rất tốt, ở dạng này nên bảo tồn gần như nguyên vẹn. Nếu có bổ sung thêm thì nên phục chế lại khu vực sân vườn bên ngoài và vật dụng nội thất bên trong.

Về khả năng đầu tư kinh phí cho bảo tồn, chắc chắn là đủ điều kiện ngay cả với doanh nghiệp tư nhân bình thường. Vấn đề quan tâm ở đây là chức năng mới cho công trình sẽ là chức năng gì để tương xứng với giá trị công trình và giá trị khu đất mà công trình đang sở hữu. Vấn đề này có thể học tập kinh nghiệm ở các nước châu Âu. Điều lo ngại là người ta có thể vì giá trị của khu đất mà xóa sổ công trình khi họ xem công trình là tài sản riêng của họ chứ không phải là di sản cần bảo tồn của TP.