Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2016

Vụ tòa nhà 70 Bạch Đằng: “Đừng làm Đà Nẵng trở thành đô thị không còn ký ức!”

HẢI CHÂU (thực hiện)

Infonet - Đó là ý kiến của ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy, hiện là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP, Chủ tịch LH các Hội Văn học – Nghệ thuật, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng về việc chuyển trụ sở Mặt trận để mở rộng trụ sở Thành ủy.

Như tin đã đưa, Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng vừa chuyển trụ sở về địa chỉ mới ở số 12 Trần Phú và “nhường” trụ sở cũ ở số 70 Bạch Đằng, một tòa nhà được xây dựng theo kiến trúc Pháp cổ đã hơn 100 năm tuổi, để mở rộng trụ sở Thành ủy Đà Nẵng. Xung quanh việc này, hiện đang có nhiều chiều ý kiến.

Tòa nhà 70 Bạch Đằng: Địa chỉ của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc!

Để tìm hiểu thêm, sáng 18/8, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, hiện là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng.

PV: Thưa ông, với tư cách là người từng làm công tác Đảng mà cụ thể là từng làm Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, hiện đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, lịch sử và tham gia Ban lãnh đạo Mặt trận TP, ông có ý kiến gì về việc chuyển trụ sở Ủy ban MTTQVN TP về địa chỉ mới và dành toà nhà 70 Bạch Đằng để mở rộng cơ quan Thành ủy?

Ông Bùi Văn Tiếng: Theo tôi, việc dời trụ sở Mặt trận TP đến địa điểm mới để mở rộng trụ sở Thành ủy là không nên. Trước hết, chỗ đó là nơi mà từ sau khi tiếp quản Đà Nẵng tháng 3/1975 thì Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và sau này là Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng đã liên tục làm trụ sở hoạt động để thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đó là nơi gặp gỡ thường xuyên kiều bào ta ở các nước, các nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo và đông đảo các tầng lớp nhân dân. Rõ ràng có thể nói đó là một địa chỉ về lịch sử và văn hóa, thể hiện chính sách đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Do đó việc thay đổi địa điểm trụ sở Ủy ban Mặt trận TP cần hết sức cẩn trọng, vì lịch sử là phải có quá trình.

Tất nhiên, cũng không cứ phải “nhất thành bất biến”. Nếu vì một lý do nào đó, ví dụ như cần phải mở một giao lộ hay để phục vụ cho nhu cầu dân sinh cấp bách hơn, hợp lý hơn thì cũng có thể tính đến phương án di dời; nhưng nếu chỉ để mở rộng trụ sở làm việc của Thành ủy thì tôi cho là không nên.

PV: Thưa ông, nếu trụ sở Mặt trận TP chuyển sang địa điểm mới thì vẫn có thể tổ chức các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ các kiều bào, nhân sĩ trí thức, chức sắc tôn giáo và các tầng lớp nhân dân chứ đâu nhất thiết cứ phải ở tòa nhà 70 Bạch Đằng?

Ông Bùi Văn Tiếng: Vấn đề ở đây là lịch sử, là quá trình. Ở từng vị trí có tính lịch sử của nó!

PV: Có người nói nếu trụ sở Thành ủy là trụ sở của Đảng, trụ sở HĐND, UBND là trụ sở của chính quyền thì trụ sở Mặt trận là trụ sở của dân, ông thấy có đúng không?

Ông Bùi Văn Tiếng: Nó còn hơn thế nữa. Vì nói của dân thì Đảng cũng của dân, chính quyền cũng của dân. Vì vậy phải nói trụ sở Mặt trận là địa chỉ của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Nó lớn hơn nhiều. Đảng, chính quyền đều có trong đó. 

Đảng cũng là thành viên của Mặt trận, dù là thành viên lãnh đạo nhưng cũng là thành viên. Chia làm ba như anh vừa nói là không đúng. Đảng cũng của dân, chứ chẳng lẽ Đảng ở trên trời à? Chính quyền cũng của dân chớ. Cái nào mà không của dân? Suy đến cùng, cái gì cũng là của dân. Và trụ sở Mặt trận là sự kết nối, sự gắn bó, là sự thủy chung giữa Đảng – chính quyền và nhân dân.

Văn phòng Thành ủy phình to đến mức không đủ chỗ làm việc là nghịch lý!

PV: Đó là về mặt lịch sử, còn về vấn đề tổ chức bộ máy. Từ sau ngày giải phóng đến nay là hơn 40 năm, và từ sau ngày chia tách tỉnh đến nay là gần 20 năm thì trụ sở Tỉnh ủy QN-ĐN cũ rồi Thành ủy Đà Nẵng hiện nay vẫn chỉ là tòa nhà 72 Bạch Đằng. Không hiểu tại sao đến bây giờ lại phải mở rộng trụ sở Thành ủy?

Ông Bùi Văn Tiếng: Đúng rồi! Lịch sử mới là một mặt của vấn đề , mặt thứ hai là trong tinh hình tinh giản biên chế, sắp xếp tinh gọn bộ máy như hiện nay thì việc Văn phòng Thành ủy phình to đến mức không đủ chỗ để làm việc ở tòa nhà hiện nay thì lại càng nghịch lý.

Trước đây, trong Văn phòng Thành ủy có Phòng Nội chính, nhưng hiện nay đã tách riêng thành Ban Nội chính và đã về làm việc ở trụ sở trên đường Nguyễn Chí Thanh. Như thế thì quân số ở Văn phòng Thành ủy phải giảm đi chứ. Và trong tình hình hiện nay thì không thể có chuyện biên chế ngày càng tăng cao hơn so với trước đây được mà chỉ có thể giảm đi!

PV: Đến thời điểm này thì trụ sở Mặt trận TP đã chuyển đi rồi, nhưng đến bây giờ nhiều người mới biết vì thấy có tờ Thông báo dán trước cổng tòa nhà 70 Bạch Đằng...

Ông Bùi Văn Tiếng: Tôi là Phó Chủ tịch Mặt trận TP mà cũng không biết thông tin này mà chỉ nhận được thông báo là đã dời địa điểm thôi!

PV: Sao lại có chuyện lạ như vậy?

Ông Bùi Văn Tiếng: Tôi cũng không hiểu!

PV: Như vậy ông thấy vấn đề thông tin đối với chuyện này như thế nào? Ngay cả với ông là Phó Chủ tịch Mặt trận TP mà cũng không biết thông tin là sao?

Ông Bùi Văn Tiếng: Tôi là Phó Chủ tịch nhưng không chuyên trách, nghĩa là không làm việc ở cơ quan Mặt trận TP nhưng cũng là Phó Chủ tịch. Ít nhất thì cũng phải thông báo chủ trương của Thành ủy trong lãnh đạo Mặt trận và lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận chứ, nhưng đằng này chúng tôi không được thông báo gì cả.

PV: Nhưng hôm qua, ông Nguyễn Đăng Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận TP cho biết là ông Nguyễn Mạnh Hùng (lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận TP) có về truyền đạt chủ trương của Thành ủy trong lãnh đạo Mặt trận TP?

Ông Bùi Văn Tiếng: Đó là truyền đạt trong lãnh đạo chuyên trách của Mặt trận TP thôi, nhưng chừng đó là không đủ. Vì đây là việc hệ trọng, dời nhà mà. Nhưng kể cả tôi cũng không được thông báo chủ trương của Thành ủy. Tôi chỉ nhận được thông báo với tư cách một tổ chức thành viên (Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật) là trụ sở Mặt trận TP đã dời về địa điểm mới để tiện liên hệ công tác thôi.

PV: Chứ còn từ trước đến nay, ông cũng như lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận TP Đà Nẵng không được lấy ý kiến về việc này?

Ông Bùi Văn Tiếng: Không có! Không biết!

Cần lấy ý kiến tư vấn, phản biện xã hội về ứng xử với một di tích kiến trúc cổ

PV: Có thông tin cho rằng tòa nhà 70 Bạch Đằng đã hơn 100 năm nên quá xuống cấp, phía Pháp cũng đã có công văn thông báo không nên tiếp tục sử dụng vì nguy hiểm?

Ông Bùi Văn Tiếng: Trong trường hợp đó thì chỉ có thể tạm di dời trụ sở Mặt trận TP đến địa điểm khác để tiến hành nâng cấp, sửa chữa giống như Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng từng di dời một thời gian để nâng cấp, sửa chữa trụ sở số 72 Bạch Đằng.

PV: Vấn đề là với lý do tòa nhà đã quá xuống cấp nên hình như có ý định và ý định đó dường như cũng đã được “bật đèn xanh” là sẽ tháo dỡ tòa nhà 70 Bạch Đằng?

Ông Bùi Văn Tiếng: Đó lại là một câu chuyện khác, câu chuyện về bảo tồn di tích. Nếu cái gì hết niên hạn cũng đập bỏ thì nhân loại làm gì còn có di tích lịch sử? Đà Nẵng còn rất ít những tòa nhà cổ trên trăm năm tuổi. Tòa nhà 70 Bạch Đằng là một trong những di sản kiến trúc Pháp rất ít ỏi còn lại trên địa bàn TP. Nếu chỉ có ý định trùng tu thì có thể thực hiện nhưng phải giữ nguyên trạng thiết kế, chứ không thì sẽ lại mất thêm một di tích của TP!

PV: Nếu tháo dỡ và sau đó xây mới hoàn toàn thì sao, thưa ông?

Ông Bùi Văn Tiếng: Thì sẽ tiếp tục làm mất đi các di sản văn hóa, lịch sử mà ở đây là di sản kiến trúc của đô thị Đà Nẵng chứ sao nữa! Nên xử lý đối với các công trình này không nhất thiết phải tháo dỡ ra mà chỉ gia cố cục bộ bằng các biện pháp kỹ thuật. Đó là với tòa nhà giữa, còn tòa nhà phía sau thì có thể đập vì mới làm. Với tòa nhà giữa thì phải trùng tu, nhưng đó là câu chuyện trùng tu di tích, khác với câu chuyện di dời.

PV: Ở đây chúng tôi muốn nói cùng lúc cả hai câu chuyện, bởi vì di dời thì đến nay gần như là chuyện đã rồi, Mặt trận TP đã chuyển đi, vấn đề còn lại lúc này là làm sao để giữ được một di sản kiến trúc cổ cho đô thị Đà Nẵng?

Ông Bùi Văn Tiếng: Cái đó thì phải cần tổ chức hội thảo lấy ý kiến của nhà chuyên môn, các đơn vị tư vấn để xem có thể giữ nguyên trạng và gia cố, trùng tu tòa nhà đó được không, hay là đã đến lúc sắp sập xuống rồi, nhất thiết phải tháo dỡ toàn bộ? Sau khi tháo dỡ thì sẽ xây lên theo thiết kế mới hay vẫn theo mẫu cũ?

Tất cả những vấn đề đó, theo tôi là cần được đưa ra thảo luận để có sự góp ý, tư vấn của các nhà chuyên môn, các nhà khoa học, các tổ chức phản biện xã hội... nhằm tìm ra phương án tối ưu, chứ không nên lặp lại chuyện di dời trụ sở Mặt trận mà các tổ chức thành viên hoàn toàn không hay biết!

Không còn ký ức, đô thị Đà Nẵng sẽ phát triển rất chông chênh!

PV: Có ý kiến cho rằng với những công trình như tòa nhà 70 Bạch Đằng, tháo dỡ thì rất dễ, nhưng để có lại một di tích như thế thì rất khó. Có những cái sai đối với lịch sử không thể nào sửa chữa được. Ví dụ chuyện di tích Thành Điện Hải là bài học rất đau xót mà bây giờ không thể nào khắc phục được. Trong khi đô thị Đà Nẵng vốn dĩ đã rất ít...

Ông Bùi Văn Tiếng: Người ta gọi đô thị Đà Nẵng là một đô thị “thiếu ký ức”. Có thể hiện nay TP có một tòa nhà mới khang trang, hiện đại, thậm chí là thông minh nhưng lại thiếu ký ức, góp phần làm cho Đà Nẵng “thiếu ký ức”. Đà Nẵng từng là một đô thị “có ký ức”, nhưng những dấu tích của ký ức đó cứ mất dần, đến bây giờ là “thiếu ký ức”.

Chúng ta đừng làm cho Đà Nẵng trở thành một đô thị “không còn ký ức”, “không có ký ức”. Vì một đô thị như thế là một đô thị thiếu, thậm chí không có bản sắc, và sự phát triển sẽ rất chông chênh. Tất cả đều cần phải có quá khứ. Quá khứ không phải là dĩ vãng mà nó là nền tảng cho sự phát triển trong tương lai!

PV: Có người nói việc chuyển trụ sở Mặt trận TP đi nơi khác để mở rộng trụ sở Thành ủy Đà Nẵng là do Ban lãnh đạo mới muốn tạo dấu ấn mới cho mình. Ông nghĩ gì về điều này?

Ông Bùi Văn Tiếng: Tôi không nghĩ như thế. Và tôi tin là Ban lãnh đạo hiện nay của Đà Nẵng hiểu rất rõ rằng dấu ấn mới phải là những quyết định sáng suốt để lãnh đạo TP này phát triển. Dấu ấn mới của một Ban lãnh đạo mới là ở những quyết sách đúng đắn, vừa tuân thủ nguyên tắc nhưng cũng vừa táo bạo, đột phá để có thể làm cho TP này tiếp tục phát triển, chứ không phải là bằng những thay đổi về mặt hình thức. Tôi tin là ban lãnh đạo mới của Đà Nẵng hiểu rất rõ về điều đó!

PV: Xin cám ơn ông đã dành cho Infonet cuộc trao đổi này!