QUẢNG NAM (NV) - Nhà cổ Việt Nam có ba dòng căn bản: nhà miền Nam; nhà miền Trung và nhà miền Bắc.
Ba dòng nhà cổ này có chung đặc điểm là mái ngói nhọn (còn gọi là “nhổn”), có ba gian ngang hoặc năm gian ngang, lợp ngói âm dương, ngói vảy chuốt hoặc lợp tranh, tường vôi hoặc vách đất. Nhưng giữa ba dòng nhà cổ này lại mang những đặc trưng rất riêng, thể hiện khí chất, cơ địa của mỗi miền đất nước.
Trong đó, điểm quan trọng nhất là ba dòng nhà cổ Việt nam đều mang hơi hướm rất Việt, bứt thoát khỏi lối kiến trúc Trung Hoa.
Rất tiếc, phong trào chơi nhà cổ, phục dựng nhà cổ hiện tại lại vô hình trung biến nhà cổ Việt Nam thành một loại nhà na ná Trung Quốc và càng ngày, nạn chảy máu nhà cổ càng trầm trọng.
Ba dòng nhà cổ Bắc, Trung, Nam
Một chuyên gia về nhà cổ cho hay, “Nhà cổ miền Bắc, đặc biệt là nhà ở Tây Bắc thường có vách đất, lớp cách âm và cách nhiệt bằng hủ hoặc chai lọ kê sát chân tường.”
“Trước nữa là bằng những ống tre, ống nứa lót một dãy dựng đứng sát chân tường, nhà cũng ba gian, hai mái và lợp lá, lợp tranh. Trường hợp nhà xây thì dùng vôi trộn với mật mía đường, cây dương xỉ và xương rồng giã nhuyễn trộn với vôi, cát, mật mía đường nhằm tạo độ bám và chống ẩm. Nhà cổ miền Bắc có chiều cao tương đối giới hạn so với chiều cao của nhà cổ miền Trung.”
“Nhà cổ miền Trung có một nét rất riêng là ngoài các yếu tố kiến trúc vốn có của nhà cổ miền Bắc và nhà cổ miền Nam, có thêm điểm nhấn là gian gác, còn gọi là gác nhị. Vì miền Trung thường có bão lụt nên từ xưa, ông bà mình đã nghĩ đến chuyện cải biên một căn nhà rường trở nên vững chãi, mạnh mẽ và có chỗ trốn lụt.”
“Nhà cổ miền Trung rất nhiều, đặc biệt là ba tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và Bình Định, đây vốn là vùng đất từng là kinh kỳ của các triều đại hoặc là nơi có nhiều vị quan lớn trong các triều đại. Chính vì vậy, nhà của họ cũng xây dựng cầu kì, đẹp. Ví như nhà cổ Quảng Nam thì có nhiều cột to, vững chãi để chống bão lụt thì nhà cổ ở Huế lại có nhiều cột nhưng nhỏ, thanh, mang dáng vẻ cung đình, quí phái.”
“Nhà cổ miền Nam ảnh hưởng một phần văn hóa Chăm, Khơ Me, chính vì vậy mà nhà có chân cột tương đối nhiều để gánh một sàn nhà bên trên, sau đó mới đến phần nhà, có thể lợp lá hoặc ngói vảy chuốt. Nhà có phần kho để chứa lúa vì đây là vùng chuyên trồng lúa, vựa lúa của cả nước từ thời xưa đến bây giờ. Hiện tại, các vùng Cà Mau, Sóc Trăng, Long Xuyên, mô hình nhà cổ vẫn còn rất nhiều.”
“Riêng nhà cổ miền Trung là bị chảy máu nhiều nhất, nó chảy máu theo hai hướng: Bị bán đi một cách rẻ rúng, bị sụp đổ và bị xây dựng, phục chế đầy tính xuyên tạc, méo mó, không giữ được nét kiến trúc gốc. Đặc biệt, các công ty chuyên doanh về nhà Việt thì lại không hiểu gì về nhà Việt, sự kinh doanh và xây dựng cẩu thả của họ khiến cho nhà cổ Việt Nam ngày càng bị Trung Quốc hóa!”
“Chảy máu” nhà cổ đang bị trầm trọng
Theo một thợ mộc làng Kim Bồng, tên Tiễn, có hơn bốn mươi năm theo nghề chạm khắc cột, kéo, vĩ nhà cổ, chia sẻ thì hiện nay, nhà cổ ở Quảng Nam đã bị lai căn một cách vô tội vạ, chuyện mua bán đã làm cho nhiều ngôi nhà cổ hoàn toàn bị bốc hơi, sườn nhà bị giới buôn nhà cổ mang về tùng xẻo, một ngôi nhà cổ sẽ phân ra thành mười nhà, nghĩa là trong một ngôi nhà cổ mới xây dựng chứa chừng 10% những chi tiết gốc của căn nhà đã mua về.
Không dừng lại ở đó, các chi tiết bị méo mó, uốn éo theo những mẫu nhà Trung Quốc, lấy mẫu ở khu nhà Minh Hương, phố cổ Hội An, những mẫu đền chùa... Chính vì vậy, cấu trúc cơ bản của nhà Việt bị phá vỡ hoàn toàn.
Cô Toàn, cháu ba đời của chủ một ngôi nhà cổ ờ Điện Bàn, Quảng Nam, chia sẻ, “Ông tôi là cụ Nghè Sách, cụ là người xây dựng trường Nguyễn Duy Hiệu, Điện Bàn, xây chùa Nghĩa Trũng, xây trạm bơm thủy lợi đầu tiên ở đây. Cụ cũng là học trò của cụ Trần Quí Cáp, người bốc mộ cụ Trần từ Diên Khánh về an táng tại Điện Bàn.”
“Hồi đó khi bốc mộ, đi qua mỗi tỉnh, ông tôi đều đặt một hương án để chí sĩ trong tỉnh đó đến viếng Cụ Trần, khi an táng xong, ông tôi đã viết cuốn Cuộc Đời Và Hoạt Động Của Chí Sĩ Trần Quí Cáp, đây là cuốn sách đầy đủ nhất về Cụ Trần. Nhưng cho đến bây giờ, con cháu tứ tán, không còn dấu vết nào, ngôi nhà cổ của ông tôi rất đẹp, sắp sụp hẳn mà chẳng có hy vọng gì....”
“Ngôi nhà xây dựng năm 1900, đến năm 1955 thì làm thêm mái hiên phía trước theo kiến trúc Pháp, sau này một phần do chiến tranh, một phần do thời gian, cứ xuống cấp sau mỗi mùa mưa. Nét chạm trổ bên trong rất đẹp, do thợ Kim Bồng thi công. Cũng có người đến hỏi mua nhưng nếu bán đi thì sẽ mất hết.”
“Rất tiếc là những người có vai vế trong nhà lại muốn bán đi để xây dựng một ngôi nhà kiểu mới để thờ phụng, mà như vậy thì mọi dấu vết bị xóa đi. Mà nếu bây giờ phục chế thì cũng chưa chắc có thợ để phục chế, tôi quan sát nhiều nhà phục chế xong nhìn chẳng còn là ngôi nhà cũ vốn có nữa!”
“Nhà xưa, riêng giàn gỗ từ cột, kèo, rui, mè, trính, đòn tay... đều dùng phương pháp thủ công, người ta đục những con sẻ, con vụ để luồn vào nhau và gông lại bằng những cây đinh gỗ đồng chất, nghĩa là gỗ lim thì phải khoan lỗ, đóng cây đinh bằng gỗ lim để định vị. Chính nhờ kết cấu đồng chất và liên kết bền vững, một ngôi nhà cổ đích thực có thể chịu đựng qua cơn siêu bão. Còn nhà bây giờ, người ta dùng cả keo để dán những mép gỗ lại với nhau, gió nhẹ một trận cũng đủ rụng tá lả...”
“Nhưng do nhà cổ hiếm, kinh doanh có tiền nên nhiều người xưng danh là công ty nhà Việt, công ty chuyên bảo tồn nhà cổ và làm khắp nơi nhưng họ chưa bao giờ nắm được cái hồn của nhà cổ. Chính vì vậy mà nhà cổ Việt Nam bị chảy máu, bị mất hết hồn vía...”
“Ngay cả bảo tàng bảo tồn nhà nước, có hẳn một đội ngũ kĩ sư xây dựng, kiến trúc sư để tư vấn nhưng khi phục chế nhà, người ta vẫn đặt nặng giá trị ngôi nhà hơn là giá trị của người chủ nhà từng xây dựng nó. Mà văn hóa nhà cổ, hồn vía nhà cổ cũng như giá trị của ngôi nhà cổ nằm ở chủ nhân của nó từng là ai hết trên 50%, số chưa tới 50% còn lại là kiến trúc ngôi nhà.”
“Chính vì không thấy được điều này nên người ta phục chế, xây dựng rất buồn cười. Thậm chí người ta ngang nhiên đập phá đi để xây cái mới. Như trường hợp Thương Xá Tax ở Sài Gòn và sắp tới là văn phòng ủy ban quận 1 Sài Gòn, và những hàng cây cổ thụ... Tất cả những điều ấy phản ánh văn hóa cũng như tri thức thời đại. Nhà cổ Việt Nam bị chảy máu không chỉ vì người ta đập phá, bán nó đi mà còn vì cả chuyện xây dựng hiện tại. Họ đã đánh mất chiều sâu văn hóa...”
Câu chuyện về ngôi nhà cổ của người ông mà cô Toàn kể lại còn rất dài, và chuyện có nhiều công ty chuyên xây dựng nhà cổ ở Việt Nam ngày càng mọc ra thêm nhiều cũng rất phức tạp, nó không những làm cho nhà cổ bị mất đi mà khiến cho cả một hệ thống văn hóa vật thể - nhà cổ - bị lai tạp đủ hình thù, càng nhìn càng thấy giống một căn nhà Trung Hoa nằm giữa một khu vườn Trung Hoa thu nhỏ trên đất nước Việt Nam. Thế mới hiểu nhà cổ Việt Nam đã rơi vào tình trạng khủng hoảng về mặt tên gọi và đặc trưng!